Thắng cảnh Thác Bà
Thắng cảnh Thác Bà

Giới thiệu

Giá: 30,000VNĐ-60,000VNĐ

Số điện thoại: 0983435566

Thời gian tham quan tại một điểm: 120 phút

61 0

Mở cửa: 7:00 SA - Đóng cửa: 5:00 CH

Email: thacbatanhlinh@gmail.com

Địa chỉ: Xã Đức Thuận, Huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình Thuận

Thắng cảnh Thác Bà tọa lạc tại xã Đức Thuận, huyện Tánh  Linh,  tỉnh  Bình Thuận;  nằm  cách  thành phố Phan Thiết hơn 100km về hướng Tây Nam và cách trung tâm huyện lỵ Tánh Linh khoảng 5km về hướng Đông Bắc; là một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở huyện Tánh Linh nằm giữa núi rừng hoang sơ của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có nhiều loại gỗ quý hàng trăm năm tuổi và nhiều loài động vật quý hiếm. Nằm ở điểm cuối cùng phía Nam của dãy Trường Sơn, rừng nguyên sinh của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có nhiều dãy núi cao hơn 1.000m, từ lâu nổi tiếng với bao huyền sử đan xen giữa Núi Ông và Thác Bà. Núi Ông có nhiều con suối nhỏ nước chảy quanh năm,  là khởi nguồn của các con sông như: Sông Phan, sông Kap Ét, sông Các… Đây là yếu tố để khí hậu ở Núi Ông thường xuyên ẩm ướt trong mùa khô, nhờ đó thực vật trong rừng sinh trưởng và phát triển tốt; cũng chính là lý do để rừng ở đây có độ che phủ hơn 91% diện tích, trữ ... Xem thêm

Bản đồ

Giới thiệu

×

Thắng cảnh Thác Bà tọa lạc tại xã Đức Thuận, huyện Tánh  Linh,  tỉnh  Bình Thuận;  nằm  cách  thành phố Phan Thiết hơn 100km về hướng Tây Nam và cách trung tâm huyện lỵ Tánh Linh khoảng 5km về hướng Đông Bắc; là một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở huyện Tánh Linh nằm giữa núi rừng hoang sơ của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có nhiều loại gỗ quý hàng trăm năm tuổi và nhiều loài động vật quý hiếm.

Nằm ở điểm cuối cùng phía Nam của dãy Trường Sơn, rừng nguyên sinh của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông có nhiều dãy núi cao hơn 1.000m, từ lâu nổi tiếng với bao huyền sử đan xen giữa Núi Ông và Thác Bà.

 

Núi Ông có nhiều con suối nhỏ nước chảy quanh năm,  là khởi nguồn của các con sông như: Sông Phan, sông Kap Ét, sông Các… Đây là yếu tố để khí hậu ở Núi Ông thường xuyên ẩm ướt trong mùa khô, nhờ đó thực vật trong rừng sinh trưởng và phát triển tốt; cũng chính là lý do để rừng ở đây có độ che phủ hơn 91% diện tích, trữ lượng khoảng 2,6 triệu m3 gỗ. Đặc biệt, còn tìm thấy cây Kim Giao, một loại gỗ màu trắng ngà, khi khô vừa dai vừa cứng mà các vua chúa Việt Nam trước đây dùng làm đũa để khử độc; đũa Kim Giao khi gặp chất độc trong thức ăn sẽ chuyển sang thâm đen… vì vậy trở nên rất quý. Qua đó, cho thấy Núi Ông chứa đựng kho tàng tài nguyên thiên nhiên quý giá của Việt Nam, không những có giá trị về bảo vệ môi trường, mà còn có giá trị về nghiên cứu khoa học và về đa dạng sinh học.

Điểm cuốn hút ở Núi Ông chính là dải thác nước mang tên Thác Bà cao gần 1.500m nằm trong lòng núi như một dải lụa mềm mại ẩn hiện giữa núi rừng bao la, tạo nên bức tranh thiên nhiên sơn thủy đẹp mê hồn và làm say lòng người khi đặt chân đến chốn này.

 

Trong dân gian, người dân địa phương ở Tánh Linh lưu truyền truyền thuyết huyền bí về Núi Ông và Thác Bà về câu chuyện tình đầy cảm động. Chuyện kể rằng: “Xưa rất xưa ở Núi Ông có cặp vợ chồng yêu nhau thắm thiết, một hôm người chồng rời nhà đi đánh cờ với bạn, ván cờ kéo dài trong sự chờ đợi mỏi mòn của người vợ, chờ đến khi tóc trắng như mây rồi cô đơn chết hóa thành dòng thác. Khi cờ tàn cuộc, người chồng trở về vì quá thương nhớ vợ nên chết theo và hóa thành Núi Ông để mãi được ôm ấp người vợ hiền chung thủy”. Khi đặt chân đến đây, được lắng nghe câu chuyệt tình về Núi Ông và Thác Bà mới cảm nhận được thấu đáo vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên nơi đây.

 

Con đường dẫn từ ngoài vào Thác Bà dễ đi với đường nhựa bằng phẳng, không khí mát dịu với những rừng cao su và vườn thanh long xanh mát làm say mê lòng người. Mùi hương của hoa, của rừng quyện vào nhau tạo nên một mùi hương dân dã đặc trưng của vùng rừng núi. Chính điều này đã tăng thêm phần kích thích, quyến rũ đối với những tâm hồn phiêu lưu tìm về với thiên nhiên nơi đây.

Thác Bà có 9 ngọn thác cao vời vợi chồng lên nhau từ đỉnh Núi Ông đổ xuống chia thành 3 tầng, mỗi tầng cao từ 15 - 25m với những tảng đá tiếp nối nhau, nhìn xa trông giống như dải lụa trắng khổng lồ mềm mại chảy giữa núi rừng bao la hùng vĩ; dưới chân thác tiếng nước chảy róc rách nhẹ như mây khói, trên tán cây rừng mây trời lững lờ trôi bâng khuâng ẩn trong bóng nước tạo nên phong cảnh hoang sơ, hữu tình và cuốn hút đến kỳ lạ. Màu xám mạnh mẽ của núi đá, màu trắng muốt của dòng thác nước cùng màu xanh của cây rừng đã tô điểm cho bức tranh thiên nhiên trở nên kỳ vĩ, mang vẻ bình yên và ấm áp. Trên đỉnh cao nhất của Thác Bà có hồ nước sâu khoảng một sải tay có rất nhiều cá chép và cá trắng ánh bạc; do đó du khách có thể câu cá, để rồi bên bếp lửa hồng trong cái se lạnh và tìm về cõi nguyên sơ, hoang dã.

 

Muốn đến Thác Bà, phải men theo con đường mòn nhỏ ẩn sâu dưới những tán cổ thụ to hơn hai người ôm và trải nghiệm cảm giác thót tim khi men qua những tản đá lớn trơn trượt. Tuy nhiên, có như vậy mới chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của dòng nước trắng xóa uốn lượn gập ghềnh qua các dốc đá, ghềnh đá bồng bềnh trông như mái tóc xõa của người phụ nữ.

 

Do địa thế hiểm trở, khó đi nên đến với Thác Bà hiện nay chỉ có thể chinh phục được 3 trong số 9 con thác; đó là thác số 7, 8 và 9. Thác số 7 mạnh mẽ với những dòng nước lớn nhỏ chảy xiết từ trên cao 15m đổ xuống gặp ghềnh đá ngọn nước tung tóe trắng xóa. Thác số 8 tựa như một cô thiếu nữ với dáng hình mảnh mai và dịu dàng, nhìn xa như một dải lụa trắng xóa uốn lượn, luồn lách qua những tảng đá lớn rồi phình rộng thành một hồ nước trong vắt. Từ hồ nước này, dòng nước vượt qua những ghềnh đá nhỏ lúc chảy mạnh dữ dội, lúc nhẹ nhàng uốn lượn qua các dốc đá cao khoảng 20m, rồi hòa vào cùng dòng suối nhỏ dưới chân thác tạo thành thác số 9. Sau khi khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của 3 tầng thác, du khách sẽ dừng chân ở thác giữa, ngâm mình trong hồ nước trong vắt, mát lạnh, thả hồn thư giãn, lắng nghe tiếng chim rừng hót ríu rít.

Từ trên cao nhìn xuống, những tảng đá mọc san sát nhau dưới chân Thác Bà cho chúng ta cảm nhận được nét tôn kính, uy nghiêm như những người lính canh gác cho giấc ngủ ngàn năm của chủ nhân mái tóc bạc. Trông xa những tán cây rừng xanh mướt đan xen tạo nên một bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Bước chân xuống thác sẽ cho ta một cảm giác vỡ òa trước vẻ đẹp kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này với dòng suối trong xanh, mát lạnh cực lớn đổ xuống các mỏm đá, ghềnh đá, dốc đá tạo thành từng tầng rất đẹp mắt, cuốn hút cho ta cảm giác bình yên và tĩnh lặng.

Với những giá trị chứa đựng về cảnh quan thiên nhiên kết hợp với khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học, nên Núi Ông - Thác Bà rất thích hợp cho phát triển hoạt động du lịch sinh thái; năm 2009, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Thác Bà là Điểm du lịch sinh thái, đây là tiền đề quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của huyện Tánh Linh nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung, góp phần tạo nên sảm phẩm du lịch sinh thái mới để phục vụ du khác khi đến với du lịch tỉnh nhà. Năm 2017, UBND tỉnh đã giao Khu du lịch sinh thái Thác Bà cho Công ty Green Dragon quản lý. Khu du lịch hiện nay đang từng bước hoàn thiện, chỉnh trang về hạ tầng, cảnh quan, vệ sinh môi trường và các loại hình dịch vụ để phục vụ du khách. Ngoài ra, Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Thác Bà còn tổ chức một số trò chơi dân gian cho du khách, tổ chức biểu diễn văn nghệ ở sân khấu nên ngày càng thu hút nhiều khách tìm đến đây; bố trí những chiếc xích đu treo trên những cành cây ven những con suối để du khách vừa ngồi và vừa thả chân xuống nghịch dòng nước chảy.

Trong những năm gần đây, với cảnh sắc đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng nên mỗi năm Khu du lịch sinh thái Thác Bà đã đón hơn 60.000 lượt khách đến tham quan và dã ngoại. Đến với Thác Bà - Núi Ông, du khách sẽ được nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, học hỏi rất nhiều điều từ thiên nhiên, đặt hết mình vào tình yêu thiên nhiên và gắn bó với thiên nhiên hơn./.

 

Nhận xét và đánh giá


Tất cả
(Từ tổng số nhận xét)

Lịch trình mẫu

Lưu trú

Ẩm thực

Địa điểm

Giải trí