Di tích kiến trúc nghệ thuật miếu Quan Thánh
Di tích kiến trúc nghệ thuật miếu Quan Thánh
Di tích kiến trúc nghệ thuật miếu Quan Thánh
Di tích kiến trúc nghệ thuật miếu Quan Thánh

Giới thiệu

Giá: Miễn phí

Số điện thoại: 02523.850.184

Thời gian tham quan tại một điểm: 120 phút

7 0

Mở cửa: 7:00 SA - Đóng cửa: 6:00 CH

Email: vhtt@tuyphong.binhthuan.gov.vn

Địa chỉ: làng Hiệp Đức Xã Chí Công, Huyện Tuy Phong, Tỉnh Bình Thuận

Miếu Quan Thánh nằm ở làng Hiệp Đức, xã Chí Công, huyện Tuy Phong. Hướng chính của di tích quay về hướng Nam, cách bờ biển khoảng 200 mét. Nối liền di tích về phía Tây là chùa Phước Hiệp, đi về hướng Đông 300 mét là Danh thắng bãi biển Gành Son; xa về hướng Bắc là dãy Trường Sơn. Di tích Miếu Quan Thánh cách Ủy ban nhân dân xã Chí Công khoảng 50 mét về hướng Đông Bắc, nằm ở phía Bắc con đường chạy dài từ Đông sang Tây nối với Quốc lộ 1A (dài 2 km), gọi là ngã ba Duồng. Miếu Quan Thánh ngày nay chính là đình làng Hiệp Đức trước kia. Thuở mới dựng vào nửa cuối thế kỷ XVIII Miếu Quan Thánh nằm kế bên hông Đình làng, vào 1930 miếu bị sụp đổ nên nhân dân đã chuyển khám, tượng thờ và những đồ tế khí trong miếu vào thờ chung trong đình làng Hiệp Đức. Với niềm tin mãnh liệt vào tài đức và sự linh hiển của Quan Công, nên nhân dân địa phương đã đặt khám thờ Ngài ở giữa chính điện, chuyển khám thờ Thành Hoàng qua ... Xem thêm

Bản đồ

Giới thiệu

×

Miếu Quan Thánh nằm ở làng Hiệp Đức, xã Chí Công, huyện Tuy Phong. Hướng chính của di tích quay về hướng Nam, cách bờ biển khoảng 200 mét. Nối liền di tích về phía Tây là chùa Phước Hiệp, đi về hướng Đông 300 mét là Danh thắng bãi biển Gành Son; xa về hướng Bắc là dãy Trường Sơn. Di tích Miếu Quan Thánh cách Ủy ban nhân dân xã Chí Công khoảng 50 mét về hướng Đông Bắc, nằm ở phía Bắc con đường chạy dài từ Đông sang Tây nối với Quốc lộ 1A (dài 2 km), gọi là ngã ba Duồng.

Miếu Quan Thánh ngày nay chính là đình làng Hiệp Đức trước kia. Thuở mới dựng vào nửa cuối thế kỷ XVIII Miếu Quan Thánh nằm kế bên hông Đình làng, vào 1930 miếu bị sụp đổ nên nhân dân đã chuyển khám, tượng thờ và những đồ tế khí trong miếu vào thờ chung trong đình làng Hiệp Đức. Với niềm tin mãnh liệt vào tài đức và sự linh hiển của Quan Công, nên nhân dân địa phương đã đặt khám thờ Ngài ở giữa chính điện, chuyển khám thờ Thành Hoàng qua bên tả. Từ đó nhân dân gọi tên di tích là Miếu Quan Thánh mà không gọi là đình nữa.

Di tích tọa lạc tại trung tâm xã Chí Công với hệ thống giao thông khá phát triển, nên các phương tiện giao thông đường bộ có thể đến di tích thuận tiện và dễ dàng. Trên Quốc lộ 1A cách Thành phố Phan Thiết khoảng 80 km về hướng Đông Bắc với địa danh mang tên Ngã ba Duồng, từ đây theo con đường nhựa chạy về hướng Đông khoảng 2 km là đến Miếu Quan Thánh.

Miếu Quan Thánh được tạo lập vào nửa cuối thế kỷ XVIII. Xuất phát ban đầu là một ngôi đình thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh như bao ngôi đình khác của người Việt, nhưng về sau người dân địa phương đã chuyển Quan Công vào thờ ở gian chính, còn Thành Hoàng và các vị Thần khác lại đưa sang thờ ở hai gian tả hữu, điều đó minh chứng cho sự linh hiển của Quan Công, đặc biệt là có sự giao thoa và tiếp biến văn hóa diễn ra khá đậm nét giữa cộng đồng người Việt và người Hoa địa phương vốn đã từng chung sống bên nhau ở những thế kỷ XVIII-XIX. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Miếu Quan Thánh còn là nơi ẩn nấp của các chiến sĩ cách mạng, mà hiện nay dưới khám thờ Quan Thánh vẫn còn ngôi hầm bí mật. Trải qua thời gian tồn tại và nhiều lần trùng tu, sửa chữa tuy nhiên di tích vẫn còn lưu giữ nguyên những sắc thái vốn có ban đầu. Từ nghệ thuật đắp nổi trang trí bên ngoài đến nội dung điêu khắc chạm trổ bên trong được thể hiện rất sinh động. Kết cấu kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, thể dáng, nghệ thuật trang trí trên nóc, nghệ thuật điêu khắc chạm trổ trên các khám thờ, hương án, các bộ phận chi tiết gỗ… đều mang đậm dấu ấn kiến trúc dân gian truyền thống vào thế kỷ XVIII - XIX ở khu vực Trung và Nam Trung bộ.

          Tổng thể di tích kiến trúc nghệ thuật Miếu Quan Thánh được bố trí trên một khuôn viên đất cao ráo, thoáng mát rộng khoảng 1.200 m2, xung quanh có vòng thành xây bao bọc nghiêm trang. Thời điểm mới xây dựng, quần thể kiến trúc Miếu Quan Thánh gồm có : Cổng Tam Quan, Chính điện,  Hiệp tự đường (nhà Tiền hiền), nhà Võ ca và nhà Bếp.

          Hiện tại di tích còn lại 4 nóc: Chính điện (2 nóc), Hiệp tự đường và Cổng chính. Hướng chính của Miếu Quan Thánh nhìn về hướng Nam, mỗi nóc được tạo dựng theo một kiểu dáng riêng, nhưng tất cả cùng có mối tương quan, hỗ trợ qua lại hài hòa với nhau. Trong kết cấu kiến trúc của Miếu Quan Thánh, ông cha ngày trước đã sử dụng đồng thời hai dạng kiến trúc dân gian tiêu biểu của địa phương, đó là dạng kiến trúc "Trùng thiềm điệp ốc" và "Tứ trụ". Tất cả phối hợp với nhau tạo nên một không gian hài hòa, phù hợp với chức năng tín ngưỡng thờ phụng của di tích.

          Cổng chính vào Miếu Quan Thánh đặt ở phía trước trực diện với Chính điện, xây theo kiểu Tam quan mà ta vẫn thường thấy ở các đình làng và một số công trình kiến trúc dân gian khác. Cổng có ba lối vào, lối giữa rộng và hai lối hai bên nhỏ hơn. Trên đỉnh nóc được đắp nổi, trang trí các hình tượng Lưỡng long tranh châu và các linh vật khác tạo cho ta một cảm giác trang trọng, tôn nghiêm khi đứng trước di tích.

          Chính điện đặt bên hữu khuôn viên, có diện tích khá lớn: Bề dọc 15,5m x bề ngang 11,2m. Chính điện được lắp ghép, kiến tạo thành hai nóc trước và sau dạng nhà kép nối nhau thông thoáng theo lối kiến trúc "Trùng thiềm điệp ốc".

          Nóc trước được lắp ghép bởi hai hàng cột chính bố trí thành hai hàng ngang, ở trung tâm mỗi hàng bốn cột chia nội thất làm ba gian, mỗi hàng cột có một cây xiên ngang, nối bốn cột với nhau để khỏi bị xê dịch. Bốn vì kèo trính ở trung tâm chạm trổ sắc nét, tạo dáng thành sáu cạnh duyên dáng và gờ chỉ mềm mại, thanh thoát, hai đầu của hai cây trính ở gian giữa chạm khắc tinh xảo thành một đầu rồng và một đầu giao long, hai đầu của hai cây trính ngoài cùng hai gian bên tả và hữu chạm thành hai đầu giao long. Giữa thân bốn cây trính chạm trổ hai bên tả, hữu tựa nhau, giữa là một con dơi tung cánh, hai bên là giao long, bướm và hoa lá đan xen nhau uyển chuyển.

          Nóc sau cao 5,4m có bộ khung gỗ vững chắc, được lắp ghép theo lối "Tứ trụ" cân đối nhịp nhàng, ở trung tâm có 4 cột gỗ chính tao cao vươn lên nâng đỡ đỉnh nóc và liên kết, nối nhịp với các vì kèo, trính và cột phụ toả ra xung quanh 4 hướng; hai vì kèo - trính ở trung tâm có kích thước to lớn, được gờ thành sáu cạnh thanh thoát; hai con đội ở đây được chạm khắc tinh xảo: Phần đế tựa mặt rồng, phần thân có dáng tựa quả bầu, tất cả những đầu kèo - trính được chạm thành đầu giao long duyên dáng. Tám vì cột phụ hai bên và sau "Tứ trụ" được nối ráp với nhau bằng những thanh xà ngang và xà dọc ở trên đầu cột và phía dưới chân cột tạo thế liên kết chắc chắn.

          Giữa hai nóc của Miếu Quan Thánh không có sự ngăn cách mà được nối tiếp với nhau thông thoáng, nhịp nhàng theo lối "Trùng thiềm điệp ốc", tạo ra một không gian nội thất rộng rãi thích nghi với chức năng thờ phụng và tổ chức lễ hội dân gian. Giữa hai nóc nối kết với nhau bằng hệ thống vì kèo - trính và trần thừa lưu bên trên, giữa trần thừa lưu là một máng xối bằng gỗ dẫn nước mưa thoát xuống ở hai bên đầu hồi. Kỹ năng chạm khắc, tạo hình hết sức tinh xảo, khéo léo của ông cha xưa được thể hiện rất công phu trên hệ thống vì kèo - trính và các con sên (chốt gỗ, mộng gỗ) ở vị trí nối ráp giữa nóc trước với nóc sau. Mỗi vì kèo - trính ở đây đều được gờ chỉ thành 6 cạnh thanh thoát, trang nhã, hai đầu của mỗi vì kèo - trính được khắc họa, tạo dáng thành đầu rồng, đầu giao long sắc nét.

          Đỉnh nóc Chính điện trang trí, lắp ghép nhiều linh vật đắp nổi từ vôi vữa ghép mảnh sành, một số bằng sứ. Trên đỉnh nóc trước, ở giữa là hình tượng "Lưỡng long tranh châu", hai bên tả - hữu là đôi cá hóa long, trên đầu 4 bờ chảy xuôi từ nóc xuống các góc mái gắn 4 con kỳ lân cùng ngoảnh mặt hướng về đỉnh nóc. Trên đầu mái hiên trước tiền sảnh, ở giữa cũng trang trí hình tượng "Lưỡng long tranh châu", tiếp theo ở hai bên tả hữu là đôi cá hóa long, ở ngoài cùng là đôi kỳ lân cùng ngoảnh nhìn vào bên trong. Trên đỉnh nóc sau cũng trang trí, gắn kết nhiều hình tượng trang trọng: ở giữa đỉnh nóc là "Lưỡng long tranh châu", trên 4 bờ quyết chạy từ đỉnh nóc xuống 4 góc mái, ở trên 2 góc mái trước trang trí 2 con giao long, trên 2 góc mái sau là 2 con kỳ lân mặt hướng về đỉnh nóc. Ở hai mặt đầu hồi đỉnh nóc sau trang trí đắp nổi các hình tượng chim phượng hoàng, dơi trong tư thế xõa cánh mềm mại, uyển chuyển.

          Nội thất Chính điện bố trí ba Khám thờ trang nghiêm. Khám giữa thờ Quan Thánh Đế Quân, trên Khám đặt một pho Tượng Quan Công cao 1,15m trong tư thế ngồi trên ngai rồng, vẻ mặt Quan Công với bộ râu dài, rậm đen trông vừa dữ tợn, vừa đức độ, mắt nhìn xuống. Phía trước khám bên dưới đặt hai pho Tượng đứng hầu: Quan Bình bên tả, Châu Xương bên hữu; hai tượng cao 1,5m, đứng đối mặt nhau. Phía trước khám thờ Quan Thánh có một bệ thờ thấp hơn, trên bệ đặt 2 bộ Tượng (mỗi bộ 3 Tượng: Tượng Quan Công trong tư thế ngồi trên ngai rồng, Tượng Quan Bình tay ôm tráp "Hán thọ đình hầu" đứng bên trái, Tượng Châu Xương tay cầm "Thanh long đao" đứng hầu bên phải.

          Khám bên tả thờ Thành Hoàng bổn xứ. Đây là nét khác biệt hiếm thấy so với các đình, miếu khác. Thông thường Khám thờ Thành Hoàng bổn xứ phải đặt ở vị trí gian giữa, nhưng ở Miếu Quan Thánh thì Thành Hoàng bổn xứ được đưa qua thờ ở bên tả, còn gian giữa trung tâm giành để đặt Khám thờ Quan Thánh. Điều đó nói lên được Quan Công tuy là một vị thánh nhân bên Trung Quốc, nhưng thanh thế, đức độ và sự linh hiển của ông đã chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong tâm thức và đời sống tâm linh, tín ngưỡng của một bộ phận người Việt. Khám hữu thờ Tứ vị Thánh Nương Nương (Lục Trinh Thần Nữ). Trên Khám thờ đặt sáu pho tượng nữ trong tư thế ngồi trên ngai, hai bên có một đôi chim.   

Mặt tiền Chính điện có ba cửa ra vào đóng ghép theo dạng cửa lụi. Hệ thống cửa lụi đóng bằng gỗ tốt, vào dịp lễ hội có thể tháo dỡ ra cho thông thoáng, ngày thường đóng ghép lại thành bức tường che chắn. Gần cửa bố trí các Hương án theo hàng ngang, thẳng theo hàng dọc so với ba Khám thờ phía trong, và một Hương án đặt trước chư vị Hội đồng (trước Khám Quan Thánh Đế Quân). Các Hương án này được làm từ các loại gỗ quí thếp lên lớp sơn đỏ, chạm khắc, đắp nổi đồng lên nền gỗ sơn đỏ, trang trí đề tài các linh vật như: rồng, phượng, kỳ lân, rùa, giao long, mặt hổ phù, bên cạnh đó là những đề tài khác đan xen như: hoa lá, mây nước, hoa sen, hoa mai…

          Bên tả khuôn viên Chính điện là Hiệp Tự đường. Lúc trước Hiệp Tự đường cũng lợp ngói âm dương; tường xây từ gạch, vôi, vữa kết dính tạo thành; cột gỗ, kèo trính được làm từ những loại gỗ quí, được trau chuốt, chạm khắc khá công phu như tòa Chính điện. Nhưng đến năm 1964, do Hiệp tự đường bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng nên nhân dân đã tu bổ lại toàn bộ.

          Nội thất Hiệp tự đường đặt ba Khám thờ, trên mỗi Khám thờ đặt rất nhiều Bài vị của các bậc Tiền Hiền, Hậu Hiền, chư vị anh hùng, liệt sĩ là những người có công khai phá, mở làng, bảo trợ xóm làng từ lúc tạo dựng cho đến nay.

          Khám tả thờ Chánh Hiền, trên Khám thờ đặt các Bài vị sau đây: hương hồn chiến sĩ, bài vị giám trai sứ giả Hộ tịch thiện Thần, kính thỉnh Diện Nhiên đại sĩ Thống lĩnh 36 bộ cùng về tọa vị, bài vị Thiên linh thần hồn, bài vị kính thờ Tứ sinh lục đạo, Tam thế oan gia cừu thù chấp đối đẳng vị, bài vị truy tặng Nguyên cai đình tính Phạm húy Thành Thuần Hậu cho Thần vị.

          Khám hữu thờ Hậu Hiền, đặt  thờ bài vị sau đây: Tả ban liệt vị, hữu ban liệt vị và bài vị thờ các vị hương chức.

          Ngoài ra, Miếu Quan Thánh còn có nhà Bếp nằm phía sau Hiệp Tự đường, diện tích dài 4m x rộng 5m,  được tu bổ vào năm 2001. Lúc trước nhà Bếp có diện tích khoảng 4m2, tường vách cũng như Chính điện được xây bằng gạch, vôi, vữa làm chất kết dính, mái lợp ngói âm dương.

          Tổng thể kiến trúc Miếu Quan Thánh, nhìn chung tuy có tu bổ một ít bộ phận, nhưng vẫn bảo lưu gần như nguyên vẹn sắc thái kiến trúc vốn có ban đầu. Những đề tài chạm khắc, họa tiết trang trí ở đây là những hình tượng nghệ thuật dân gian tiêu  biểu nhất, gắn liền với chức năng thờ phụng, với tâm niệm, tập tục dân gian của xã hội phong kiến lúc bấy giờ.

Hàng năm, tại Miếu Quan Thánh diễn ra ba đợt tế lễ chính: lễ tế xuân diễn ra vào rằm tháng hai âm lịch hàng năm; lễ tế Thanh minh diễn ra vào ngày Thanh minh hàng năm (khoảng tháng 2,3 âm lịch) và lễ tế thu diễn ra vào ngày rằm tháng tám âm lịch hàng năm.

Hàng năm vào các đợt tế lễ tại di tích thu hút đông đảo mọi thành phần người dân đến tham dự, với một niềm tin bất biến là xin thần thánh ban phước lành, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, vượt qua bất hạnh khó khăn của cuộc sống đời thường, hướng tới ngày mai tươi sáng hơn. Trong các dịp tế lễ này, ngoài người Việt địa phương, thì cộng đồng người Hoa ở trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh đến tham dự rất đông để được dâng hương bái yết Quan Công - Một vị Thánh nhân vốn được họ tôn sùng và kính trọng nhất từ trước đến nay.

Miếu Quan Thánh chứa đựng đầy đủ các giá trị tiêu biểu trên các phương diện kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa và tính nhân văn sâu sắc. Ngoài ra, nội thất chính điện còn lưu giữ rất nhiều di vật xưa có giá trị như: 27 sắc phong Thần, đại hồng chung, mõ, tượng bằng đất nung, 1 bài vị, 10 bức hoành phi và 19 câu đối được khắc chạm trên các loại gỗ quí, câu đối treo theo các thân cột, hoành phi treo giữa khoảng cách hai cột ở phía trên gần những cây kèo. Nội dung của những bức Hoành phi, câu Đối ở đây ghi lại công đức của tổ tiên, cha ông, các bậc công Thần và những bậc Tiền - Hậu Hiền, là những người có công khai phá tạo lập làng, gìn giữ, bảo trợ đem lại bình an cho nhân dân, hướng đến một tương lai rộng mở đầy niềm tự hào, để truyền lại cho các thế hệ con cháu đi sau trân trọng, phát huy gìn giữ những cái quí giá mà cha ông đã cất công tạo dựng.

Với những giá trị khoa học, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu đó miếu Quan Thánh đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia tại Quyết định số 75/2004/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2004./.

Nhận xét và đánh giá


Tất cả
(Từ tổng số nhận xét)

Lịch trình mẫu

Lưu trú

Ẩm thực

Giải trí